Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Người "viết sử" nơi miền cổ tích Mo Rai

Biên phòng - Tôi gọi Già làng A Blong, người có uy tín ở làng Le, xã Mo Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum là người “viết sử” nơi miền cổ tích Mo Rai, bởi ở thế hệ của ông, không nhiều người biết đọc, biết viết. Ai muốn tìm hiểu về cộng đồng người dân tộc thiểu số Rơ Măm (dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù) thì cứ đến gặp già làng để nghe ông kể chuyện. Chính vì nằm trong “sách đỏ”, thiếu “con chữ”, sống cách biệt nơi cuối trời biên giới, nên Mo Rai một thời được ví như miền cổ tích với những câu chuyện nửa như thật, nửa như mơ…

Già làng A Blong (bên trái) gặp gỡ trao đổi công việc với cán bộ Đồn Biên phòng Mo Rai. Ảnh: Thái Kim Nga

Thầy giáo và những cuộc giải cứu "thần tiên"

Năm nay, già làng A Blong đã ngoài 70 tuổi. Ở làng Le- Rơ Măm nói riêng (làng Le của người Rơ Măm), xã Mo Rai nói chung, ông là người biết đọc, biết viết đầu tiên và là người có uy tín được nhiều người biết đến. Có lẽ, đó là lý do khiến ông trở thành giáo viên, cùng với những người lính Đồn Biên phòng Mo Rai, BĐBP Kon Tum miệt mài trên trận tuyến xóa nạn mù chữ vào những năm 90 của thế kỷ trước. Ông A Blong nguyên là Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Mo Rai, năm 2009 nghỉ hưu, sau đó, ông được bầu làm Già làng Le- Rơ Măm từ năm 2011 đến nay.

“Sau ngày giải phóng miền Nam cho đến đầu năm 1999, cả vùng Mo Rai rộng lớn chỉ có 7 ngôi làng của đồng bào Jrai, Rơ Măm cùng Đồn Biên phòng Mo Rai trấn giữ biên giới. Đất rộng, người thưa, đường giao thông đi lại chưa có nên khi bước vào mùa mưa, Mo Rai như một ốc đảo nằm biệt lập với bên ngoài. Trong hoàn cảnh đó, nạn mù chữ, thất học, mê tín dị đoan lan rộng. Nếu như các làng Kênh, Grập, K Đinh, Xộp của đồng bào Jrai, số người biết đọc, biết viết chỉ đếm trên đầu ngón tay, thì làng Le của mình gần như mù chữ hoàn toàn. Vậy là mình trở thành giáo viên, cùng với lính Biên phòng bắt tay vào cuộc chiến...” - Già làng A Blong nói về cái duyên bước vào nghề “gõ đầu trẻ” của mình như thế.

Nói là “gõ đầu trẻ”, nhưng thực chất, những lớp học của già làng A Blong và BĐBP mở ra lúc bấy giờ đủ mọi lứa tuổi và giới tính. Bình thường thì cả làng cùng đi học, còn lúc “đột xuất”, người lên nương, kẻ xuống núi, thậm chí có học trò còn mơ màng nơi góc bếp vì... say rượu. Giáo viên cứ như vậy lục tìm khắp các cánh rừng xung quanh, trông chẳng khác gì tay người thợ săn chính hiệu.

Thực trạng “thiếu chữ” trong thế ốc đảo cũng chính là ngọn nguồn của hàng loạt những tập tục, nếp nghĩ, cách làm cũ kỹ, lạc hậu trong đời sống cộng đồng người Jrai và Rơ Măm. Ngày đó, trên đất rừng biên giới Mo Rai, nơi nào có người đau ốm là ở đó ắt phải có… ma. Thanh niên đến tuổi kết hôn thì “loanh quanh” đâu đó trong dòng tộc. Phụ nữ đến ngày sinh nở là phải vào rừng “vượt cạn” một mình, còn đàn ông nếu không lên rừng săn bắn, phát rẫy làm nương thì quẩn quanh bên chén rượu. Mọi sự can thiệp về y tế, văn hóa luôn đụng phải rào cản rất lớn từ các chủ nhân nơi đất làng.

Nan giải nhất là những cuộc giải cứu, giành giật sự sống cho những trẻ sơ sinh thoát khỏi hủ tục “mẹ chết, con phải chôn theo” xảy ra những năm 90 của thế kỷ 20.

Ai cũng biết, để giải quyết những vấn đề liên quan đến văn hóa trong đời sống cộng đồng chưa bao giờ là chuyện đơn giản, song, trước ranh giới sinh- tử mong manh như thế, nếu không quyết đoán, thậm chí là liều lĩnh, chắc chắn cái giá phải trả là một đứa trẻ sinh sinh vô tội. “Vừa mới chào đời, những đứa bé như Y Thanh, Y Đức, A Nông ở làng Xộp, làng Kênh và làng K’đinh đã phải mồ côi mẹ (do hậu sản- Pv). Theo tập tục, khi mẹ mất, cần phải cho con đi theo để chúng được nuôi nấng, chăm sóc. Phát hiện câu chuyện đau lòng này, mình tích cực tham gia cùng anh em Biên phòng đến tận nhà kiên trì vận động, giải cứu bằng được các cháu ra khỏi sự u mê của của lệ làng. Có thể nói, việc BĐBP cứu sống Y Thanh, Y Đức, A Nông, sau đó gửi các cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum nuôi dưỡng được xem là “trận đánh” quyết định, xóa bỏ tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan tồn tại từ bao đời nay trong đời sống cộng đồng”- Già làng A Blong bồi hồi nhớ lại.

Già làng và "người vác tù và hàng tổng"

Đã đi qua hơn 70 “mùa rẫy”, nhưng Già làng A Blong vẫn tràn đầy nguồn năng lượng cống hiến. Trong vai trò là già làng, ông thực sự là “chiếc cầu nối” giữa “nghĩa Đảng, tình quân và lòng dân”, sẵn sàng xông pha trên mọi trận tuyến để mang niềm vui đến với mọi nhà. Hàng ngày, nếu không tham gia công tác hòa giải nơi cộng đồng thì ông lại cùng với cán bộ Biên phòng đi thực tế địa bàn tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, phong trào do địa phương phát động.

Khi cần thông báo tình hình, Già làng A Blong dùng tiếng trống để tổ chức họp dân. Ảnh: Thái Kim Nga

Đối với Đồn Biên phòng Mo Rai, già làng Le luôn là người đồng chí, đồng đội gần gũi, nhiệt huyết và là “chất keo” đặc biệt kết chặt tình quân dân. Bất kể chương trình nào do những người lính Biên phòng khởi xướng, già làng A Blong cũng là người đi tiên phong và đồng hành đến cuối con đường. Trong số đó, cần phải kể đến những chương trình mang tính xã hội hóa rất cao như phong trào phát động toàn dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, xây dựng thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh, hòa giải những tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình làng xóm...

Việc gì già làng A Blong cũng tận hiến vô điều kiện như “người vác tù và hàng tổng”. Bởi theo ông, có được như ngày hôm nay, người Rơ Măm ở làng Le biết ơn Đảng, Chính phủ đã dành sự quan tâm chăm lo sâu sắc đến đồng bào, trong đó có dự án Bảo tồn đặc biệt được đầu tư hết sức căn cơ để tránh những nguy cơ tụt hậu, suy giảm chất lượng giống nòi.

Vừa tích cực tham gia công tác xã hội, vợ chồng Già làng A Blong còn là nhân tố quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy nghề đan, dệt truyền thống của dân tộc Rơ Măm. Ảnh: Thái Kim Nga

Trong sự sắp xếp chân thực, logic của “người viết sử”, từ miền cổ tích với hàng loạt câu chuyện nửa như thực, nửa như mơ, làng Le Rơ Măm của Già làng A Blong nói riêng, xã Mo Rai nói chung đã phát triển cả về “sức khỏe” lẫn diện mạo. Năm 2023, hệ thống cơ sở hạ tầng và các nguồn đầu tư sinh kế trên địa bàn xã Mo Rai được kiến tạo bài bản, trình độ dân trí cải thiện ở mức cao, với 100% người dân được hưởng lợi từ các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục. Riêng làng Le Rơ Măm có một người là Đại biểu Quốc hội khóa 11 (bà Y Ly Trang) và hàng chục người con có trình độ đại học hiện đang công tác tại địa phương.

“Mình là người trực tiếp chứng kiến và rất thấu hiểu con đường phát triển đi lên của quê hương mình. Trên chặng đường dài đó, sự quan tâm, chăm lo sâu sắc của Đảng và Nhà nước, cùng những cống hiến hy sinh, đồng hành không biết mệt mỏi của BĐBP đã giúp xã Mo Rai có được cuộc sống như ngày hôm nay. Mặc dù tuổi cũng đã cao, nhưng còn sức khỏe là mình còn cống hiến, góp phần xây dựng biên giới ngày càng bình yên và phát triển…”- già làng A Blong cho biết.

Thái Kim Nga


top