Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Ông Là Sé Páo tận tâm giữ gìn, trao truyền văn hóa Lô Lô

Biên phòng - Với những cống hiến cho cộng đồng, ông Là Sé Páo, dân tộc Lô Lô, người có uy tín thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đã vinh dự được biểu dương tại Chương trình Biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2023.

Ông Là Sé Páo luôn nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô. Ảnh: Thu Quyết

Ông Là Sé Páo sinh năm 1957. Năm nay đã 66 tuổi, nhưng sức vóc ông Páo vẫn dẻo dai. Ông vẫn trồng rau, nuôi bò, lợn, sản xuất nông nghiệp và nhiệt tình tham gia các hoạt động của cộng đồng. Với cương vị là người có uy tín của thôn, trong những năm qua, bản thân ông luôn gần gũi, trao đổi với Đồn Biên phòng Phó Bảng, BĐBP Hà Giang và chính quyền địa phương những điều trăn trở có liên quan đến cuộc sống của nhân dân như: Giữ gìn sự đoàn kết nêu cao ý thức tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, thực hiện xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt, ông Là Sé Páo là hạt nhân tích cực phối hợp với cán bộ Biên phòng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm của công dân đối với công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia. “Năm nào, tôi cũng phối hợp với cán bộ Biên phòng tuyên truyền cho bà con, đặc biệt là lớp trẻ tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ gìn an ninh trật tự thôn, bản. Tại các buổi họp thôn hoặc các dịp kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân 3/3, ngày đại đoàn kết toàn dân tộc, tôi đều nói với bà con phải có trách nhiệm giữ gìn biên cương bờ cõi của cha ông để lại, không xuất nhập cảnh trái phép, muốn sang phía nước bạn làm ăn phải có giấy tờ, có hộ chiếu, giấy thông hành, không phá hoại cột mốc...”- ông Là Sé Páo kể.

Hiện nay, thôn Đoàn Kết có 120 hộ dân sinh sống, trong đó có 21 hộ người dân tộc Lô Lô, còn lại là người Mông. Cùng với việc vận động nhân dân giữ gìn đường biên, mốc quốc giới, ông Páo với vai trò là người có uy tín thường xuyên nhắc nhở bà con dân tộc Mông và Lô Lô cùng đoàn kết, giữ gìn phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông kể: “Văn hóa của người Mông và Lô Lô đều đặc sắc. Tôi thường nói với bà con, văn hóa truyền thống chính là gốc gác của mình, mình phải giữ lấy để con cháu sau này còn biết đến tổ tiên, cội nguồn. Người Lô Lô có nhiều bài hát và khoảng 10 điệu múa truyền thống rất đặc sắc. Tôi rất vui vì chúng tôi vẫn giữ gìn được văn hóa của mình. Chúng tôi thường hát múa trong đám ma, đám cưới Trước mỗi dịp lễ hội hoặc sự kiện đặc biệt của thôn, của xã, tôi đều hướng dẫn bà con, nhất là các thành viên trong đội văn nghệ luyện tập để biểu diễn cho đông đảo mọi người xem”.

Ông Páo kể tiếp: “Các bài hát, điệu múa của người Lô Lô có ý nghĩa miêu tả cội nguồn, sự phát triển và đời sống sinh hoạt hàng ngày của người Lô Lô. Trong đám tang, các điệu múa và bài hát được sử dụng phổ biến. Chúng tôi vẫn múa điệu múa lên đường để tiễn người quá cố về thế giới bên kia. Bài múa này có các động tác biểu thị hoạt động sản xuất nông nghiệp, cuộc sống thường nhật như dệt vải, cuốc nương, làm rẫy, bẻ ngô... Tôi luôn cố gắng hướng dẫn bà con tìm hiểu, học thuộc và giữ gìn văn hóa truyền thống của mình. Tôi cũng phối hợp với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sủng Là truyền dạy cho các cháu học sinh các điệu múa, bài hát và kỹ thuật thổi khèn đồng của người Lô Lô”.

Cán bộ Đồn Biên phòng tới nhà hỏi thăm về cuộc sống và trao đổi tình hình trong thôn Đoàn Kết với ông Là Sé Páo. Ảnh: Thu Quyết

Ông Páo tự hào nói với tôi: “Hồi đầu tháng 11/2023, tôi và một số bà con trong bản được tới Lai Châu tham dự Ngày hội văn hóa của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Tôi thổi khèn đồng và cùng với bà con trong thôn múa hát các điệu múa truyền thống của dân tộc Lô Lô cho rất nhiều người xem. Khi tiết mục của chúng tôi kết thúc, tất cả mọi người đều vỗ tay tán thưởng. Tôi rất vui vì văn hóa của dân tộc Lô Lô được mọi người yêu thích”.

Không chỉ say mê giữ gìn văn hóa truyền thống, ông Páo còn tích cực vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh. Trong đó, tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về xóa bỏ các hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025... Đặc biệt là 3 chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Ông Páo phấn khởi cho biết: “Bây giờ, người Lô Lô thực hiện nếp sống văn minh. Ngày xưa, khi gia đình có đám tang, bà con thường mổ 2-3 con bò. Bây giờ, bà con chỉ mổ 1 con thôi. Việc chôn cất người mất cũng được tiến hành trong vòng 24 giờ sau khi mất, không như ngày xưa, mọi người để người mất 2-3 ngày trong nhà. Việc ăn uống trong đám tang cũng tổ chức ăn theo mâm, không ngồi trên 1 tấm ván kê trên đất như ngày xưa nữa. Nhiều năm liền, người Lô Lô chúng tôi không có trường hợp nào tảo hôn hoặc kết hôn cận huyết thống. Bà con trong thôn phát huy đoàn kết thi đua lao động sản xuất xây dựng trong thôn đạt chuẩn và được công nhận thôn Nông thôn mới năm 2022”.

Thu Quyết


top