Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ

Biên phòng - Dáng người cao ráo, thanh thoát, nước da sáng mịn, trông ông giống một nhà trí thức hơn là lão nông tri điền. Sinh ra và lớn lên trong khói lửa chiến tranh và nay cũng đã sắp chạm ngưỡng lớp người “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, giọng nói hào sảng, hành động quyết đoán đúng chất của người lính trận. Gần 1/3 thế kỷ làm Chi hội trưởng Cựu chiến binh, 8 năm làm Chi hội trưởng Người cao tuổi, ông vẫn miệt mài cống hiến trong tâm thế người lính Cụ Hồ. Ông tên là Điểu Hùng, người có uy tín ở bon Bu Boong, xã biên giới Đắk Bút So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Mặc dù đã sắp bước qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cựu chiến binh Điểu Hùng vẫn luôn đồng hành với BĐBP trên mọi nẻo đường biên giới. Ảnh: Thái Kim Nga

Tuổi 16 cầm súng đánh giặc

Cũng như bao chàng trai, cô gái trên quê hương vị tù trưởng huyền thoại, người con ưu tú của dân tộc M’nông- Anh hùng Nơ Trang Lơng, chàng thiếu niên Điểu Hùng nung nấu quyết tâm đi theo cách mạng, cống hiến tuổi thanh xuân của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm 1971, khi mới vừa tròn 16 tuổi và tầm vóc lúc bấy giờ cũng chỉ cao hơn chút xíu so với khẩu súng trường CKC dựng đứng, Điểu Hùng tình nguyện gia nhập bộ đội địa phương, tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ trên “tọa độ nóng” Nam Tây Nguyên- Bắc miền Đông Nam bộ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông tiếp tục tại ngũ, được cử đi học một số trường quân đội, sau đó về công tác tại Huyện đội Đắk Rlấp (cũ) trực thuộc Quân khu V. Tại đây, với cấp bậc Thiếu úy, ông luôn thể hiện mình là tay súng cựu phách, một cán bộ “binh vận” sắc sảo trong các đợt truy quét, tiễu trừ bọn phản động Fulro trên địa bàn Nam Tây Nguyên. Năm 1985, ông phục viên về làm nông tại bon Bu Boong, xã biên giới Đắk Bút So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

Tuổi 16 cầm súng đánh giặc, vào sinh ra tử nơi cuối con đường Hồ Chí Minh lịch sử đi qua địa bàn Tây Nguyên, chàng thanh niên người dân tộc thiểu số M’nông- Điểu Hùng luôn thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh đó, cùng với ý chí chiến đấu quật cường của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Có thể nói, cuộc đời quân ngũ của cựu chiến binh Điểu Hùng tuy không dài, nhưng đầy sự trải nghiệm gian nan, thử thách. Trong lửa đạn chiến tranh, ông đã đứng trên lằn ranh sinh tử hết sức mong manh và cũng đã được sống trong vòng tay bao la của tình đồng bào, đồng chí và đồng đội nên thấu hiểu sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nói một cách khác, sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc là yếu tố quyết định thắng lợi không chỉ trong chiến tranh, mà cả trong hòa bình, xây dựng, kiến tạo cuộc sống mới.

33 năm kết nối “ý đảng - tình quân - lòng dân” trên biên giới

Về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Điểu Hùng vẫn luôn ở trong tâm thế người lính, sẵn sàng xông pha trên mọi trận mạc. Từ năm 1990 trở đi, trên cương vị là Chi hội trưởng chi hội Cựu chiến binh bon Bu Boong, ông luôn kề vai sát cánh với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Tuy Đức, BĐBP Đắk Lắk (nay là tỉnh Đắk Nông) trên mọi mặt trận chống “giặc nội xâm” (đói nghèo, mù chữ, mê tín dị đoan và cả những mầm mống phản động Fulro Đêga).

Cựu chiến binh Điểu Hùng (ngoài cùng bên phải) trong buổi tham gia tuyên truyền, vận động tại hộ gia đình ở bon Bu Boong tháng 10/2023. Ảnh: Thái Kim Nga

Ở bất kỳ “trận đánh” nào, ông cũng ngùn ngụt ngọn lửa cống hiến như tuổi mười sáu cầm súng đánh giặc. Hết tuyên truyền, vận động bà con tham gia các lớp học xóa mù chữ do BĐBP tổ chức, ông lại quay sang “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn, giúp đỡ những người yếu thế (người già neo đơn, tàn tật, không nơi nương tựa) chuyển đổi phương thức sản xuất, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó là chuỗi ngày dài bám sát thôn bon, cùng lính Biên phòng đẩy lùi nạn mê tín dị đoan, tập quán cũ kỹ, lạc hậu tồn tại dai dẳng trong đời sống cộng đồng.

“Có thời điểm ông đi từ sáng đến tối mới về, mọi công việc trong nhà giao cho mình tự lo liệu. Kinh tế gia đình vì thế cũng có lúc gặp khó khăn, nhưng mình không bao giờ so đo tính toán, vì trong bon vẫn còn nhiều người cần được giúp đỡ…”- bà Thị Gió (vợ ông Điểu Hùng) bồi hồi nhớ lại những đầu chồng mình tham gia công tác xã hội ở địa phương.

Những đóng góp tích cực của cựu chiến binh Điểu Hùng, cùng sự nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể và bà con nhân dân trên địa bàn đã giúp bon Bu Boong “chuyển mình” vươn lên. Từ “vùng trắng” mênh mông trên biên giới, cuộc sống “nay đây mai đó”, Bu Boong từng bước định canh định cư để được thụ hưởng các chương trình, dự án đầu tư phát triển của Đảng và Nhà nước. Nạn mù chữ, thất học, mê tín dị đoan dần được loại bỏ ra khỏi đời sống cộng đồng, các nhu cầu phát triển về y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội được chăm lo chu đáo nhờ vào mạng lưới cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng bài bản.

Từ năm 2016 đến năm 2023, cựu chiến binh Điểu Hùng được bà con tín nhiệm bầu kiêm nhiệm thêm chức danh Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi bon Bu Boong. Trong vai trò của người cán bộ “hai trong một”, ông đã tập hợp sức mạnh đoàn kết toàn dân tham gia các phong trào như xây dựng đời sống văn hóa, tự quản đường biên, cột mốc và an ninh trật tự thôn bon và đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai trên địa bàn xã Đắk Bút So từ năm 2020 đến nay. Với uy tín của mình, ông tập trung tuyên truyền, vận động bà con nhân dân hiến đất xây dựng các công trình giao thông, cũng như đóng góp ngày công lao động, cơ sở vật chất nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở bon Bu Boong cũng có những tín hiệu tích cực với trên 98% gia đình có vườn cà phê, hồ tiêu, mắc ca (riêng cây mắc ca phát triển thành phong trào từ 3 năm nay). Đây có thể nói là bước đột phá làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Điểu Hùng vui vẻ cho biết: “Nhiều gia đình ở đây chỉ quen làm rẫy mà chưa biết làm vườn, nên mình thường xuyên phối hợp với các ngành, đoàn thể và Đồn Biên phòng Đắk Bút So cầm tay chỉ việc, hướng dẫn giúp đỡ bà con từ cách trồng, chăm sóc đến khâu thu hoạch. Cây cà phê, hồ tiêu, mắc ca giờ đây đã trở thành cây kinh tế chủ lực của bon Bu Boong, giúp bà con từng bước thoát nghèo vươn lên. Đời sống kinh tế của nhân dân không ngừng được cải thiện, an ninh trật tự được bảo đảm là cơ sở để chúng tôi hiện thực hóa quyết tâm xây dựng bon Bu Boong đạt danh hiệu thôn văn hóa trong năm 2023…”.

Tuổi 16 cầm súng đánh giặc, 33 năm miệt mài kết nối “ý Đảng- tình quân- lòng dân” trên biên giới và hôm nay cũng đã sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng cựu chiến binh Điểu Hùng vẫn vẹn nguyên tâm thế của người lính Cụ Hồ./.

Thái Kim Nga


top