Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Tấm gương mẫu mực ở ngã ba biên giới

Biên phòng - Xã biên giới Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên mùa này rợp sắc vàng của hoa dã quỳ. Chúng tôi theo sắc hoa ấy lội suối, leo đồi tới trang trại của ông Sừng Sừng Khai, người có uy tín trong đồng bào Hà Nhì giữa tiết trời lành lạnh của những ngày đầu đông năm 2023. Ở ngã ba biên giới này, ông Sừng Sừng Khai được mọi người quý trọng không chỉ bởi tư duy làm ăn kinh tế mà con là người có công “kéo” người Hà Nhì ra khỏi hiểm họa thuốc phiện, ổn định vùng người Mông di cư.

Ông Sừng Sừng Khai vẫn lội suối, leo đồi đi làm ruộng, trồng rừng. Ảnh: Bích Nguyên

Tổ chức cai nghiện cho dân

Ông Sừng Sừng Khai có dáng người cao ráo, khỏe khoắn. Sinh năm 1966, năm nay 57 tuổi, ông vẫn lội suối, băng rừng thoăn thoắt. Nhà ông ở bản A Pa Chải nơi được ví là ngã ba biên giới, một phía giáp Lào, một phía giáp Trung Quốc.

Dẫn chúng tôi tới thăm trang trại của gia đình, ông Khai kể cho tôi nghe các cột mốc chính của cuộc đời. “Ngày xưa ở Sín Thầu chưa có trường học. Vì thế mãi đến năm 1980, khi 14 tuổi tôi mới đi học. Tôi phải đi bộ 2 ngày xuống trung tâm huyện Mường Nhé để học cho đến hết lớp 5”.

Chúng tôi đi qua một vạt đồi bằng phẳng, ông Khai nhắc chuyện chỗ này, gần 30 năm về trước, bà con dựng lán để cai nghiện thuốc phiện. “Trước đây, người Hà Nhì ở Sín Thầu đói khổ lắm, toàn ở trong nhà dựng bằng tranh tre mục nát. Không có đường đi, không có điện, không có trường học. Người Hà Nhì lại vướng phải thuốc phiện, thiếu gạo ăn phải vào rừng đào củ nâu, củ mài để ăn. Cuộc sống khổ cực vô cùng” - ông Khai kể.

Thực tế, chuyện nghiện thuốc phiện ở vùng biên thời đó là thói quen phổ biến như hút thuốc lào bây giờ bởi bà con chưa nhận thức được tác hại của nó. Bố mẹ ông Sừng Sừng Khai cũng hút thuốc phiện. Ông Khai ngửi mùi khói thuốc của bố mẹ, lại thường được mẹ cho uống nước thuốc phiện mỗi lần đau ốm nên bị phụ thuộc vào nó lúc nào không biết. Ông Khai chia sẻ: “Thuốc phiện nó làm cho sức mình yếu đi, không làm việc được, không có gì ăn cả. Tôi thấy khổ quá mới quyết tâm loại bỏ thuốc phiện để lấy lại sức khỏe”.

Nghĩ là làm, năm 1987, ông Khai rủ vợ mang theo ngô, mắm muối, giống lúa men theo con suối đi vào rừng tìm một chỗ đất bằng phẳng, dựng lều ở, khai hoang ruộng lúa và cai nghiện. Trước khi vào rừng ở, ông còn lên Đồn Biên phòng mượn một chiếc khóa số 8 để tự khóa tay mình mỗi khi lên cơn nghiện. Với ý chí quyết tâm rất lớn, vợ chồng ông Khai ở trên rừng 2 năm liền và đã bỏ được thuốc phiện. Ông trở thành người đầu tiên trong xã Sín Thầu cai nghiện thành công và cũng là người đầu tiên ở vùng biên này canh tác ruộng nước. Uy tín của ông Khai được tạo lập từ những việc như thế.

Năm 1994, nhận thấy số người nghiện hút trong xã quá nhiều, đời sống bà con đói khổ, tình hình an ninh trật tự phức tạp, xảy ra nhiều vụ trộm cắp vặt, ông Khai lúc đó là Phó Chủ tịch xã tới Đồn Biên phòng Leng Su Sìn gặp đồn trưởng để bàn về các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự. “Chúng tôi nhận thấy nguồn gốc phát sinh trộm cắp là do tình trạng nghiện hút quá nhiều. Cũng do nghiện hút và tình trạng xuất nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp. Tôi bàn với đồn biên phòng tuyên truyền, vận động người dân cai nghiện cho dân” – ông Khai kể.

Ông Khai chỉ khu đất trước kia chính quyền xã tổ chức cai nghiện tập trung cho người dân bị nghiện thuốc phiện. Ảnh: Bích Nguyên

Để người dân tự cai nghiện không đạt được hiệu quả như mong muốn, năm 1998, ông Khai bàn với các đồng chí trong UBND xã Sín Thầu triển khai công tác cai nghiện tập trung. Thời điểm đó, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu đi học nên việc tổ chức cai nghiện cho dân chủ yếu do ông Sừng Sừng Khai chỉ đạo và triển khai thực hiện. Ông Khai nhớ lại: “Chúng tôi xây dựng kế hoạch cai nghiện, trong đó, nêu rõ thời gian, địa điểm để cai nghiện tập trung, xác định rõ đối tượng, số lượng người nghiện cần phải cai cũng như lực lượng tham gia quản lý. Chúng tôi tới từng bản họp dân, phân tích những ảnh hưởng tiêu cực cũng tác hại của thuốc phiện. Điều đáng mừng là bà con đều nhận thức được tác hại của việc nghiện thuốc phiện nên đồng tình, nhất trí hưởng ứng cai nghiện”.

Qua rà soát, thời điểm đó, cả xã Sín Thầu có tới hơn 300 người hút thuốc phiện, trên tổng số dân khoảng 1.000 người. Bài toán khó lúc này là nếu đi cai nghiện hết thì không có người làm, lấy gì ăn. Phó Chủ tịch Sừng Sừng Khai tham khảo ý kiến của nhiều người dân, mọi người đều quyết tâm cai nghiện. Vậy là, 30 người đầu tiên thí điểm cai nghiện tại trụ sở UBND xã. Hồi đó, gia đình nào cũng đói khổ, người nghiện chỉ có 1-2 kg gạo mang theo nên không đủ ăn trong 20 ngày cai nghiện, ông Khai phải về nhà lấy gạo cho mọi người ăn. Với cách làm như thế, đến năm 2000, Sín Thầu không còn người nghiện hút nữa. “Sau khi cai nghiện thành công, đời sống nhân dân có nhiều khởi sắc, một số hộ dân chuyên làm nương đã chuyển sang làm ruộng nước, không còn cảnh đói mấy tháng liền nữa. Tình hình an ninh trật tự trong xã cũng tốt hơn, không còn bị mất trộm mất cắp, không còn tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép” – ông Khai cho biết. Từ lúc này, những điều ông Khai nói gì người dân Sín Thầu đều tin và làm theo.

Từ tháng 5/1984 đến tháng 11/1987, ông Khai phục vụ trong Trung đội thường trực dân quân xã. Năm 1991, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng bản A Pa Chải kiêm Chủ nhiệm Hợp tác xã A Pa Chải. Tháng 6/1994, ông Khai được bầu làm Phó Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng công an xã Sín Thầu. Đến năm 2004, nhân dân bầu ông làm Chủ tịch UBND xã Sín Thầu. Tháng 8/2009, ông Khai được phân công làm Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn. Đến tháng 9/2021, ông được nghỉ hưu theo chế độ.

Được sự quan tâm đầu từ của Nhà nước, cuộc sống của người Hà Nhì ở Sín Thầu đã bước sang trang mới. Năm 1998, có đường đất từ huyện Mường Tè lên A Pa Chải. Đến năm 2005, Sín Thầu có trường học, năm 2011 thì có đường nhựa lên tận trung tâm xã; có sóng điện thoại di động… Những yếu tố này đã làm đòn bẩy để Sín Thầu ngày một phát triển và cán đích nông thôn mới vào năm 2022.

Ổn định vùng người Mông di cư

Dấu ấn lớn thứ hai của ông Sừng Sừng Khai ở vùng cực Tây Tổ quốc là việc ổn định tình hình đồng bào Mông di cư ở xã Leng Su Sìn trong thời gian ông làm Chủ tịch UBND xã này (từ năm 2009 -2020).

Ông Khai không ngại khổ, không ngại khó, luôn gương mẫu trong mọi việc làm để người dân noi theo. Ảnh: Bích Nguyên

Leng Su Sìn từng là địa phương có tình hình an ninh trật tự phức tạp nhất huyện Mường Nhé. Thời điểm những năm 2009, 2010, cả xã có tới 92% hộ nghèo, người Mông từ nhiều nơi ồ ạt di cư tự do tới đây khiến cho tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống của người dân bản địa phương bị xáo trộn. Kèm theo đó là những hệ lụy nghiện hút, trộm cắp, mua bán người, phá rừng, sinh hoạt đạo trái pháp luật...

“Dân di cư tự do từ khắp nơi về đây sinh sống. Họ tới là phá rừng để làm rẫy, sinh hoạt đạo trái phép, vượt biên, tranh chấp đất đai với người dân sở tại. Có thời điểm, họ tụ tập đông người, khiếu kiện, gây áp lực với chính quyền, đòi yêu sách được cấp đất đai, nhập hộ khẩu thường trú và một số vấn đề khác... Phức tạp nhất là bản Cà Là Pá” - một cán bộ Biên phòng đi cùng chúng tôi nhớ lại.

Ông Khai cùng cán bộ xã và các đoàn công tác liên ngành phải đi lại nhiều lần tới bản Cà Là Pá để tuyên truyền, vận động bà con chấp hành đúng các chính sách của Nhà nước, quy định của pháp luật. Năm 2018, thực hiện chủ trương của tỉnh về giải quyết dân di cư tự do, UBND xã Leng Su Sìn triển khai cho người dân khai báo thời gian nhập cư, đăng ký tài sản. Sau đó, rà soát lại và sắp xếp ổn định dân cư theo hướng tạo điều kiện cho các hộ dân đến ở tại bản Cà Là Pá từ trước năm 2011, có nhà ở ổn định, sở hữu 2ha đất canh tác trở lên không có tranh chấp được nhập khẩu. Những hộ còn lại được sắp xếp ổn định nơi ở theo Quyết định số 79/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 12/1/2012 phê duyệt Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên đến năm 2015 (gọi tắt là Đề án 79).

Trong quá trình triển khai Đề án 79, nhiều hộ dân không chịu đi khỏi bản Cà Là Pá, một số hộ đi nơi khác một thời gian sau lại quay trở về. Từ thực tế trên, ông Khai họp bàn trong UBND xã thống nhất đề nghị huyện Mường Nhé thay đổi quy mô số hộ cần phải di dời theo hướng cho phép những hộ dân có đất sản xuất và nhà ở ở lại bản để yên dân. Với cách giải quyết hợp lý, hợp tình, đời sống của người Mông ở xã Leng Su Sìn và người dân các dân tộc khác đã ổn định, không khí bình yên trở lại.

Ông Khai chia sẻ: “Hiện tại, đồng bào các dân tộc ở đây rất vui mừng vì được Đảng và Nhà nước quan tâm, triển khai nhiều chính sách giúp người dân thoát khỏi nghèo nàn, có cuộc sống bình yên, tích cực lao động sản xuất, phối hợp với BĐBP bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Chúng tôi rất tin tưởng vào Đảng và Nhà nước”.

Đổi mới tư duy phát triển kinh tế

Là người có tư tưởng tiến bộ, từ năm 1998, trong khi nhiều người vẫn còn làm nương, thả rông trâu bò thì ông Sừng Sừng Khai đã làm trại, dồn hết trâu bò, lợn của gia đình vào một khu để chăm sóc cho tốt. Phần diện tích đất khai hoang để làm ruộng lúa nước của ông đã lên tới 1ha, không còn phải lo thiếu gạo ăn mỗi mùa giáp hạt. Ông còn có thêm 1ha trồng ngô.

Năm 2006, ông đào ao nuôi cá. Từ ao cá đầu tiên, đến năm 2023, ông Khai đã có 4 ao cá. Dẫn chúng tôi với thăm ao cá của mình, ông Khai giới thiệu: “Tôi nuôi cá trắm, mè, rô phi vừa để ăn, vừa tặng họ hàng, vừa để bán”.

Không dừng lại ở đó, nhận thấy khí hậu của Sín Thầu phù hợp với một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao, năm 2019, ông Khai đầu tư mua cây giống trồng hơn 1,5ha sa nhân. Sau 3 năm, sa nhân nhà ông đã bói quả. Năm 2023, ông thu được 2 tạ, bán được 14 triệu đồng. Ngoài sa nhân, năm 2023, ông Khai trồng thêm 1ha quế để làm sinh kế bền vững.

Ngoài trồng lúa, trồng cây dược liệu, nuôi trâu, bò, ông Khai còn đào ao thả cả, tạo thành mô hình kinh tế tổng hợp. Ảnh: Bích Nguyên

Học theo ông Khai, người dân ở Sín Thầu đã khai hoang trồng lúa nước, trồng cây dược liệu, lập trại nuôi nhốt trâu bò. Đến năm 2023, cả bản A Pa Chải đều trồng sa nhân, nâng tổng diện tích trồng sa nhân toàn xã Sín Thầu là khoảng 131ha.

Chúng tôi tạm biệt ông Sừng Sừng Khai trong ánh nắng rực rỡ, trong lòng còn ấn tượng mãi với tư tưởng tiến bộ luôn hướng về cái mới, cái tích cực của người con Hà Nhì ưu tú này.

Bích Nguyên


top