Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407 |

Nỗ lực giữ gìn văn hóa Si La

Biên phòng - Là người được học hành đầy đủ, bà Hù Thị Xuân, sinh năm 1951, dân tộc Si La, người có uy tín ở bản Xeo Hai, xã Can Hồ, huyện Mường Tè, Lai Châu với nỗi niềm đau đáu giữ gìn văn hóa dân tộc đã bỏ công sức sưu tầm, ghi chép lại bài hát, điệu múa truyền thống của người Si La và tổ chức truyền dạy cho thế hệ trẻ. Với nỗ lực của mình, bà Xuân đã phối hợp với ngành văn hóa tỉnh Lai Châu sưu tầm, viết sách về văn hóa của người Si La.

Bà Hù Thị Xuân đã dành nhiều tâm huyết để bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc Si La. Ảnh: Văn Trí

Trong cộng đồng 54 dân tộc anh em của Việt Nam, Si La là một trong 5 dân tộc ít người nhất, có số dân chưa đến 1.000 người, hiện sinh sống phân tán ở tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Văn hóa của người Si La rất đặc sắc với trang phục được khâu thêu cầu kỳ, khác biệt với các dân tộc khác. Người Si La cũng có điệu múa, bài hát, tín ngưỡng riêng biệt. Đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người năm 2023 tổ chức tại Lai Châu tháng 11 vừa qua, văn hóa của người dân Si La đã để lại những ấn tượng hết sức tốt đẹp trong lòng du khách. Các điệu múa, bài hát, trang phục, lễ hội mang đặc trưng văn hóa của người Si La do chính người Si La ở xã Can Hồ thể hiện đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ đông đảo du khách dõi xem.

Kết thúc phần trình diễn múa hát truyền thống tự biên, tự diễn của dân tộc mình, chị Pừ Cố Dứ, người Si La, bản Xì Thâu Chải, xã Can Hồ tự hào cho biết: “Chúng tôi rất vui vì hôm nay đã giới thiệu được văn hóa truyền thống của mình với bạn bè và du khách. Việc bảo tồn văn hóa Si La gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay, chúng tôi đã thành lập được đội văn nghệ, bảo tồn và giữ gìn được các điệu dân vũ, hát giao duyên. Người có đóng góp nhiều nhất chính là nghệ nhân Hù Thị Xuân. Bà biết chữ, biết viết và đã truyền dạy dân ca, dân vũ bằng ngôn ngữ Si La cho lớp trẻ”. Chia sẻ của chị Dứ phần nào cho thấy vai trò cũng như những đóng góp của bà Hù Thị Xuân trong công cuộc bảo tồn và phát triển văn hóa Si La - một dân tộc rất ít người được Đảng và Nhà nước đầu tư bảo tồn.

Người Si La ở xã Can Hồ tự tin biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc của dân tộc mình tại Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người năm 2023. Ảnh: Văn Trí

Đối với người dân Si La ở xã Can Hồ, bà Hù Thị Xuân là tấm gương về tinh thần nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động và cống hiến. Vượt qua nhiều khó khăn, bà Xuân đã nỗ lực học tập trở thành cô giáo Si La đầu tiên mang con chữ về bản. Sau khi nghỉ hưu, bà tiếp tục cống hiến cho cộng đồng với các hoạt động bảo tồn văn hóa Si La.

Bà chia sẻ: “Tôi rất xót xa khi chứng kiến văn hóa của người Si La mai một dần, lớp trẻ không có nhiều người biết bài hát, điệu múa truyền thống của người Si La, các nét văn hóa tín ngưỡng khác cũng dần biến mất, như ở bên Điện Biên, không còn thầy cúng nào của người Si La... Bản thân tôi nhớ tên bài cúng như cúng trong lễ đưa tang... nhưng không thực hành được vì mình là phụ nữ”.

Từ sự xót xa đó, bà Xuân đã sưu tầm, ghi chép lại các bài hát của người Si La. Bà Xuân kể: “Năm 2007, tôi bắt đầu tuyên truyền, vận động chị em tham gia đội văn nghệ của bản. Việc vận động chị em gặp nhiều khó khăn do chị em bận đi làm nương. Tôi kiên trì thuyết phục, chị em đã tranh thủ những lúc nhàn rỗi tập hợp lại để học hát. Một khó khăn khác là người Si La không có chữ viết, tôi phải viết lời bài hát của tiếng Si La bằng chữ phổ thông ra giấy để chị em và các cháu nhỏ học theo. Bây giờ, chị em đã thuần thục các bài múa truyền thống như: Nhanh nhanh tay, Ánh Trăng”...

Người Si La ở xã Can Hồ đã thành lập được 2 đội văn nghệ và duy trì hoạt động từ năm 2021 đến nay. Ảnh: Văn Trí

Với sự kiên trì và nỗ lực của bà Xuân, từ năm 2021, hai bản Si La là Xì Thâu Chải và Xeo Hai đã thành lập và duy trì hoạt động của 2 đội văn nghệ. Các chị em trong đội văn nghệ đã tự tin tham gia nhiều buổi giao lưu văn nghệ ở các địa phương trong tỉnh cũng như đi thi ở trung ương. Ngay trong Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người năm 2023, các chị em trong đội văn nghệ đã rất tự tin thi trình diễn trang phục truyền thống, múa hát giao duyên..., để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả và Ban giám khảo cuộc thi Liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục truyền thống.

Không chỉ trực tiếp sưu tầm, truyền dạy các điệu múa, bài hát của người Si La, bà Hù Thị Xuân còn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Mường Tè nghiên cứu, sưu tầm và biên soạn tài liệu lưu giữ những nét văn hóa của dân tộc Si La. “Đến thời điểm này (tháng 12/2023 - PV), chúng tôi đã sưu tầm, biên soạn được một quyển dân ca gồm hơn 100 bài hát thể hiện cội nguồn của người Si La, mô tả quá trình hình thành, di cư, chuyển bản đến lập làng mới...” – bà Xuân kể.

Với sự tham gia của bà Xuân, nhiều nghi lễ truyền thống của dân tộc như thờ cúng tổ tiên, cưới hỏi, mừng cơm mới, tạ ơn trời đất, lễ cấm bản của người Si La..., đã bắt đầu được phục dựng lại. Trong cuộc sống hàng ngày, bà Xuân vẫn vận động chị em và lớp trẻ nói tiếng Si La, giữ gìn trang phục truyền thống của người Si La. Bản thân bà vẫn tự tay khâu thêu quần áo, khăn đội đầu.

Sự tâm huyết và những cống hiến trong việc bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Si La của bà Xuân đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 2017, bà Xuân đã được Nhà nước công nhận là nghệ nhân và đến năm 2019, bà được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Năm 2023, bà Xuân được Ban tổ chức Chương trình Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người biểu dương, tôn vinh vì những đóng góp trong bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

“Trong lòng tôi tràn đầy niềm vui vì văn hóa của người Si La đã được lan tỏa đến mọi người. Các danh hiệu mà Nhà nước trao tặng là động lực để tôi tiếp tục tìm hiểu, sưu tầm và bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Tôi mong Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư để bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung và văn hóa truyền thống của dân tộc Si La nói riêng. Bản thân tôi sẽ tiếp tục truyền dạy văn hóa Si La tới lớp trẻ”- bà Hù Thị Xuân tâm sự.

Văn Trí


top